Forrest Gump (1994) là phim mang nhiều triết lý về cuộc sống, tụ hợp nhiều vấn đề cơ bản nhất như gia đình, văn hóa, lịch sử, chính trị, tình yêu, tình bạn, số phận. Đã có quá nhiều bài viết phân tích và ca ngợi về bộ phim này nên tôi sẽ không lặp lại, bài viết này sẽ cố gắng đào sâu hơn những ý nghĩa còn lẫn khuất trong câu chuyện và các hình ảnh mang tính ẩn dụ. Cái hay của phim là mặc dù đề cập đến nhiều vấn đề có bản chất khá nặng nề nhưng lại được diễn tả nhẹ nhàng trong cách nhìn của Forrest Gump, chính điều đó tạo nên sự thú vị và có phần hài hước chứ không nặng nề như rất nhiều phim cùng thể loại. IMDb 8.8 , phim đạt 6 giải Oscar, 3 Quả Cầu Vàng và nhiều giải thưởng khác.
Phân tích ý nghĩa thông điệp
Chìa khóa chính nằm gói gọn qua hình ảnh chiếc lông vũ đang bay trong gió ở đầu phim, nếu bạn chú ý đường bay của nó, bạn sẽ thấy rằng có quảng thời gian nó đang ở vị trí chắn phía trước chiếc ô tô, nhưng khi xe lao vụt đến, chiếc lông vũ đã theo làn gió lách qua một cách vô cùng điệu nghệ, khi nó thuận theo gió mà đi, khó có thứ gì có thể cản được đường bay và sẽ không xẩy ra những cuộc va chạm, nó sẽ dừng khi làn gió ngừng. Và bạn hãy nhìn cách mà Forrest cầm nó lên hết sức cẩn thận, mở cuốn sách đặt vào và cất trở lại vali như một đồ vật trân quý, sau đó nữa, ở đoạn cuối của phim, trong lúc Forrest vô tình mở cuốn sách, lông vũ lại lần nữa theo cơn gió bay vút lên bầu trời. Đó chính là bí quyết để có được một cuộc sống tự tại và hạnh phúc.
Nếu bạn đang ngồi bên cạnh một người lạ, bạn có đủ “can đảm” để trò chuyện với họ khi sự đáp lại là im lặng? Forrest đã làm được việc đó hết sức tự nhiên dù có vẻ như người bênh cạnh không hề chú ý lắng nghe, nhưng cách mà anh ấy nói lại không giống như đang làm phiền họ, ngược lại, nó giống như một cơn gió mát đang thổi qua và mang theo nhiều hương vị của cuộc sống. Anh ấy còn chủ động mời họ ăn bánh như một người bạn đã quen, trong biểu hiện, Forrest có sự ngây ngô nào đó, tuy vậy, những lời được thốt ra lại mang triết lý sống mà bất kỳ ai nghe thấy sẽ không thể nào làm ngơ, vì đó từng là lời của một mà mẹ sáng suốt và tràn đầy yêu thương.
Chúng ta sẽ không thể nghe hoặc xem một câu chuyện thú vị về Forrest nếu thiếu đi nhân vật người mẹ, nếu làn gió và lông vũ thể hiện cho sự trừu tượng về cuộc đời, thì những lời dạy của người mẹ và cuộc đời của Forrest là sự cụ thể hóa tính trừu tượng đó. Một đứa trẻ có IQ chỉ đạt 75 điểm, thân thể yếu đuối và phải niềng chân, đó là gánh nặng, nhưng nhờ tình yêu thương – sự khôn ngoan – đức tin, người mẹ đã thổi “sự sống” vào trong “đất sét” và biến “nó” thành “lông vũ” có thể bay lên cao. Và bởi vì Forrest quả thật là “đất sét” nên cậu ấy tin vào lời của người mẹ một cách tuyệt đối, nên cậu ấy có thể trở thành “lông vũ” thật sự. “Người ta chỉ ngu ngốc khi họ làm điều gì đó ngu ngốc” – Ờ thì cả bộ phim đã cho chúng ta thấy có vô số kẻ được xem là khôn ngoan (thuộc hàng cao nhất nước Mỹ), họ nói ra những điều khôn ngoan nhưng điều họ làm thì toàn là ngu ngốc, thành ra kết cuộc của họ thường dẫn đến cái chết.
Cuộc sống này có phép màu không? Đức tin chính là phép màu, sẽ chẳng có phép màu nào cả nếu bạn không tin vào sự tồn tại của nó, vì khi bạn không tin, nó có hiện ra ngay trước mắt bạn thì bạn cũng không cho đó là phép màu. Người mẹ tin vào Chúa, nên Forrest tin vào mẹ và tin vào phép màu của Chúa, Forrest chẳng cần phải lý luận gì nhiều về niềm tin đó. Khi người mẹ bảo rằng Forrest bình thường như bao người khác, anh ấy tin là anh ấy bình thường, và bạn đã thấy gì nào? Một đứa trẻ niềng chân biết leo cây (cười), thanh sắt – thứ biểu hiện cho đôi chân yếu đuối, lại trở thành thứ giúp cậu bé lộn ngược đầu với cái chân móc vào cành cây, với tôi thì đó chính là phép màu.
Hay chuyện Forrest có thể chạy, vài người nghĩ đó là chuyện chỉ có trong phim, không đâu, tôi có thể giải thích theo cách khoa học. Vì Forrest tin là cậu ấy bình thường, nên nhờ vào cái niềng chân, cậu hoạt động bình thường, chính điều đó giúp đôi chân trở nên cứng cáp hơn và sau đó không cần niềng chân là chuyện đương nhiên; nhưng theo nghĩa khác, đó vẫn là phép màu, sao người ta cứ phủ nhận phép màu khi nó dính dáng đến khoa học nhỉ?! Hoặc giống như lời của Forrest, Chúa đã không biến Jenny thành chim nhưng đã gửi cảnh sát đến để giải thoát cho cô bé khỏi người cha bạo hành và vô trách nhiệm. Mà Chúa là gì nhỉ? Là những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống, Chúa có thể là một người mẹ yêu thương con, là một người bạn chân thành, là một vị cảnh sát tốt, đâu cần phải phức tạp hóa hình ảnh của Chúa.
Cuộc sống có công bằng hay không? Có đấy, chỉ là con người ít nhận ra, như chuyện của Forrest, cuộc sống đã lấy đi trí tuệ của cậu bé, nhưng trao cho cậu bé một đức tin và một người mẹ đầy yêu thương; vì Forrest có vẻ ngờ nghệch nên mọi người tránh xa, nên khi có ai đó chịu làm bạn với cậu ấy thì sẽ là những người bạn tốt và chân thành như Jenny hoặc Bubba hoặc trung úy Dan. Và như bạn đã thấy, những con người đó sẽ không phản bội hoặc bán đứng Forrest, không những thế, họ còn giúp Forrest và bù lại những điều mà cậu ấy còn thiếu; về phần Forrest, cậu ấy cho họ thấy được thứ được gọi là tình bạn, tình yêu, sự chân thành, giá trị của sự sống … theo lối đơn giản nhất và không màu mè.
Giải nghĩa một số biểu tượng mang tính ẩn dụ
Đầu tiên là hành động “chạy” của Forrest, câu nói nổi tiếng nhất trong phim này là “Run, Forrest, run!”. Forrest đã chạy khỏi điều gì? Đó là sự xấu xa, sự kỳ thị và độc ác của con người. Người mẹ giúp Forrest tin rằng bản thân là một người bình thường, Jenny giúp Forrest cách tự vệ và tránh xa những thứ độc ác. Trong cuộc đời của Forrest, có 5 điều tốt đã mang lại nhờ chạy giỏi; khi còn nhỏ và thời niên thiếu, Forrest đã không trở thành nạn nhân của bạo hành; khi trưởng thành, chạy là chiếc vé để vào trường đại học; khi nhập ngũ, chạy khỏi cái chết đến từ cuộc chiến; trong chiến trận, chạy cứu các đồng đội; sau khi mẹ mất và Jenny bỏ đi, chạy giúp thoát khỏi sự u sầu. Nhờ 5 lợi ích từ việc chạy, tâm hồn của Forrest chưa bao giờ bị hủy hoại do những thứ xấu xa mà xã hội mang đến.
Jenny cũng chạy, nhưng cách mà cô ấy chạy chỉ khiến cô ấy sa vào những con đường tồi tệ hơn, tại sao? Vì Jenny thông minh, và vì thông minh nên Jenny đã chạy theo những con đường mà xã hội đã vạch ra cho cô ấy, sự tồi tệ có ở đâu? Nó có trên bất kỳ con đường nào mà xã hội đã vạch ra. Trong khi đó con đường mà Forrest chạy thì không bị giới hạn bất cứ thứ gì, nơi nào có đường thì Forrest đều có thể chạy, nói chính xác hơn, con đường của Forrest là con đường của tự nhiên, con đường của Jenny là con đường bị giới hạn bởi tư tưởng của con người. Có thể thấy qua cuộc chạy bộ của Forrest, khi đến bờ biển, Forrest quay đầu lại và chạy tiếp, mục đích của Forrest là thoát khỏi sự u sầu; còn với những con người như Jenny, họ chạy là vì một lý tưởng nào đó, dù trước mắt là vực thẳm thì họ vẫn cứ lao thẳng xuống đấy, sự mù quáng cũng là một phần của lý tưởng.
Giống như khi các phóng viên phỏng vấn Forrest, hỏi anh ấy chạy vì điều gì, là hòa bình, cho người vô gia cư, môi trường, nữ quyền, động vật? Sao con người luôn thích phức tạp hóa vấn đề? Forrest không làm một điều này thay cho một điều khác, Forrest không cần nói về yêu thương, khi kẻ nào tấn công Jenny thì cậu ấy lao vào đập cho hắn một trận, Forrest không nói về phân biệt chủng tộc, nhưng bạn thân nhất của cậu ấy là một người da đen và cậu ấy sẵn sàng quay lại bão lửa để cứu bạn, Forrest không nói về môi trường, nhưng từ nhỏ đến khi trưởng thành thì cậu ấy phần lớn di chuyển trên đôi chân của mình (cười), Forrest không nói về hòa bình, nhưng suốt thời gian nhập ngũ thì điều Forrest làm là ngắm cảnh thiên nhiên chứ không phải là tìm ai đó để giết, Forrest không nói về người vô gia cư, nhưng phần lớn lợi nhuận có được đều dành cho các hoạt động từ thiện và xây dựng trường học – bệnh viện – nhà thờ, chú ý điểm này: không ai biết Forrest là tỉ phú và làm nhiều việc thiện, họ chỉ biết “đó là một người làm nghề cắt cỏ”.
Tiếp theo là môn “bóng bàn”, nếu có từ gì đó để hình dung về môn thể thao này thì tôi sẽ gọi nó là “sự phòng thủ tuyệt đối”. Vì để trở thành “kiện tướng” của môn này thì phải có sự tập trung cực lớn và phản ứng cực nhanh, trái bóng bàn rất nhỏ và di chuyển rất nhanh, cái vợt cũng nhỏ, tần suất trái bóng quay lại rất lớn. Hầu như rất khó tìm được một môn thể thao nào khác đòi hỏi tốc độ phản ứng như môn này. Với Forrest thì môn bóng bàn khá đơn giản, bí quyết giống như người hướng dẫn đã nói “đừng bao giờ rời mắt khỏi quả bóng”. Về tính ẩn dụ, môn “bóng bàn” là sự trưởng thành của hành động “chạy”, quả bóng có thể tượng trưng cho những thứ xấu xa của xã hội, khi nó đến gần, bằng cách nào đó đều bị Forrest đập trở về; quả bóng cũng tượng trưng cho những gì mà Forrest quý trọng, khi quả bóng đến, Forrest luôn đón được và không bao giờ hụt.
“Bóng bàn” mang tính chủ động hơn “chạy”, Forrest luôn đón nhận “quả bóng” đúng lúc, ví như lần Jenny bị đánh – Forrest không hề rời mắt khỏi Jenny, cứu Bubba – anh ấy vẫn sống khi Forrest mang ra từ chiến trận, cứu trung úy Dan, về nhà khi người mẹ hấp hối, đón nhận khi Jenny quay về, đến gặp Jenny và đứa con, hoặc các sự kiện lớn nhỏ của nước Mỹ (cười).
Tiếp theo là từ “Ok”, khi Forrest đã hứa điều gì thì cậu ấy luôn thực hiện đúng như vậy, Jenny yêu cầu Forrest chạy khi nhập ngũ, cậu ấy chạy thật nhanh; Bubba cứ huyên thuyên nói về tôm và bảo là sẽ cùng Forrest thành lập công ty, Forrest đã “Ok”, và đã làm đúng như vậy dù Bubba đã chết; trung úy Dan đùa rằng nến Forrest có thuyền đánh bắt tôm thì anh ấy sẽ làm “thuyền phó” (thật ra thì Dan luôn chỉ huy Forrest), Forrest “Ok” và đã viết thư nhắn trung úy Dan sau khi mua được thuyền. Khi Forrest nói “Ok”, người nghe chẳng hề chú ý lời đó (luôn cả người xem phim), nhưng Forrest đã làm đúng như lời nói, mặc tình họ nói thật hay nói đùa. Hoặc những lần trung úy Dan mĩa mai về việc Forrest tin Chúa và bảo sao cậu ấy không đến cầu với Ngài, Forrest đã thật đến xem lễ ở nhà thờ, tham gia ca đoàn, cuối cùng thì có một cơn bão đến, những con thuyền khác bị đắm, riêng chiếc thuyền “Jenny” thì không, con thuyền đó tượng trưng cho đức tin của Forrest, và nó đã biến đổi trung úy Dan.
Tiếp theo là IQ 75 điểm, như tôi có nói ở trên, đôi khi con người không cần phải quá thông minh để đạt được hạnh phúc, có vô số người thông minh đã bị xã hội con người “đập” chết chỉ vì họ không biết “chạy” và không biết chơi “bóng bàn” như Forrest (cười). Giai đoạn lịch sử trong phim đã xuất hiện nhiều người thông minh bậc nhất, như gia đình Kennedy, hoặc ca sĩ John Lennon được xem là một trong những cha đẻ của phong trào Hippie. Nhưng hãy xem những con người đó đã tạo ra thứ gì cho nước Mỹ (và cho thế giới). Một phần thanh niên nhập ngũ để tham chiến ở Triều Tiên hoặc Việt Nam, một phần khác thì sống tự do kiểu Hippie và sa vào con đường dốt nát, trụy lạc và nghiện ngập, họ làm ngược lại với những thứ gọi là hòa bình – tình yêu – tự do.
Trong phim có vô số đoạn châm biếm về những diễn biến chính trị thời bấy giờ, ví như khi được hỏi mục đích trong quân đội của Forrest là gì, anh ấy trả lời “để làm bất cứ việc gì khi ông bảo, thưa trung sĩ huấn luyện”, chính xác là vậy, lý tưởng gì đó chỉ là huyễn hoặc. Nhiều đời tổng thống bị ám sát, xã hội nước Mỹ loạn xà ngầu với phe chủ chiến rồi phong trào phản chiến, phong trào Hippie, phong trào cho người da đen … đủ cả. Càng đấu tranh thì xã hội càng loạn, đơn giản vì họ chỉ nói nhưng họ không làm, hoặc họ nói một đường nhưng làm một nẻo. Trong khi để đạt được hạnh phúc thì rất đơn giản, đó là suy nghĩ đơn giản và sống đơn giản như Forrest, tức giống như chiếc lông vũ thuận theo ngọn gió mà đi hoặc đến trong tự do.
Tiếp theo là biểu tượng ngôi nhà và cây cổ thụ, một ngôi nhà tốt là nơi con người có thể trưởng thành từ đó, nơi có thể trở về, nơi mà khách lạ cũng có thể đến để nghỉ ngơi và được chăm sóc. Jenny có thể trở về là nhờ có Forrest, vì anh ấy cũng có thể xem là nhà, người mẹ cũng là nhà của Forrest, Forrest là nhà cho đứa con của anh ấy. Và ngôi nhà giống như của Jenny nên bị phá bỏ, vì nơi đó có một người cha tồi tệ. Tóm lại thì tương lai của loài người không phụ thuộc nhiều vào bản chất con người, mà phụ thuộc vào cái khuôn đúc nên bản tính người. Cuộc sống giống như cây cổ thụ trong phim, nó sẽ trở nên tươi tốt khi được trồng trên mảnh đất màu mỡ, khoáng đãng và ngập tràn ánh nắng chói chang.
Hàng tháng: https://www.patreon.com/chi_blog_movie_reviews
Paypal: https://www.paypal.com/paypalme/nguyenminhchi2806
Bank – Người nhận: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Ví momo:
………………………
Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.
Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Tôi Là Sam – I am Sam (2001): tình yêu đủ cho tất cả
Một Tâm Hồn Đẹp – A Beautiful Mind (2001): vượt lên số phận
Nhà Tù Shawshank – The Shawshank Redemption: Sự cứu rỗi nằm ở đâu?
Căn Phòng – Room (2015): đó chỉ là chuyện về những căn phòng
Vua Phá Hoại – System Crasher (2019): “Ai” bị lỗi hệ thống?
Quái Xế – Taxi Driver (1976): chứng nhân thời đại
Cây Đời – The Tree of Life (2011): biết ơn và oán trách
Nửa Đêm Ở Paris – Midnight In Paris (2011): cảm xúc thật vs vẻ bề ngoài
Kẻ Sát Nhân Không Mùi – Perfume: The Story of a Murderer (2006): phù du – vĩnh cữu
5
1
vote
Article Rating