Ý nghĩa của búp bê may mắn Daruma
“Thất bại không phải là vấp ngã mà là cứ nằm lì sau khi ngã” (trích dẫn của M.A.Carrera)
Daruma, nghe quen ơi là quen, quen hơn cả Maneki Neko í. Chắc chắn rồi, vì bạn nào đọc Skip Beat sẽ nhớ ra ngay thôi. Đó là tên con lật đật mà Kyouko nhà mình đã sử dụng để quyết tâm vào được LME, chỗ làm của Ren đó ^^
Đây là Engimono (biểu tượng may mắn) phổ biến thứ 2 ở Nhật, sau Maneki Neko. Daruma là tên được phiên âm từ chữ Dharma, là một con búp bê làm từ giấy bồi không có tay chân, có râu và ria, trọng tâm nằm ở dưới đế nên không bao giờ bị ngã, người Việt mình hay gọi loại búp bê này là lật đật. Nó được làm mô phỏng theo hình dáng ngồi thiền của Bodhidharma – Bồ Đề Đạt Ma, người đã sáng lập ra Thiền phái trong Phật giáo chính tông và mở rộng từ Trung Quốc rồi phát triển đến Nhật Bản hiện đại.
Năm 1697, chùa Daruma được dựng lên ở Takasaki, vị trụ trì có tên Shinetsu đã vẽ hình Bodhidarma ngồi thiền vào mỗi năm mới, đó được cho là khởi đầu của búp bê Daruma. Cuối thế kỷ 18, một người tên là Yamagata Goro đã tạo ra hình dáng ban đầu của búp bê Daruma theo ngoại hình của nhà sư Togaku, sau này ông đã dán giấy lên nó và thành Daruma như hiện nay. Vào thời Minh Trị, khi nghề nuôi tằm phát triển, Daruma được dùng để cầu chúc cho một vụ mùa thu được nhiều sợi tơ tằm. Và đến bây giờ, nó đã trở thành vật bất ly thân của những doanh nhân mong muốn sự thành công và giàu có.
Vậy thì Daruma tượng trưng cho điều gì mà người ta lại coi trọng nó đến thế?
Vì nó không bao giờ biết ngã là gì, cứ nằm xuống lại bật dậy, nên thông điệp của nó là sự cống hiến hết mình và kiên trì theo đuổi mục tiêu.
Nếu bạn đặt ra một mục tiêu nào đó và quyết tâm thực hiện bằng được, hãy làm theo cách của người Nhật: vào chùa mua một con Daruma, vừa đọc lời cầu ước vừa tô lên con mắt bên phải của nó, rồi đặt ở một nơi thật trang trọng và dễ nhìn thấy nhất, để chứng tỏ bạn sẽ không từ bỏ. Khi đã hoàn thành mục tiêu, bạn tô nốt lên con mắt bên trái, và mang nó đến ngôi chùa trước đó bạn đến vào ngày cuối năm, “hoá vàng” con Daruma để thần linh chứng giám cho sự quyết tâm của mình.
Daruma giấy bồi
Không chỉ cá nhân mà từ các cửa hiệu, nhà hàng cho đến những doanh nghiệp, tổ chức ở Nhật cũng thường mua một con Daruma vào đầu năm mới, vẽ cho nó một con mắt, rồi trong năm đó, nếu hoàn thành mục tiêu đã đặt ra thì họ sẽ vẽ nốt con mắt còn lại. Những chính trị gia cũng không khác là mấy, họ thường mua Daruma vào đầu kỳ bầu cử, và tô mắt cho nó khi phát biểu trước toàn thể nhân dân để chứng tỏ quyết tâm của mình. Nhưng từ những năm 1990, thói quen này đã bị xoá bỏ do một số tổ chức nhân quyền tuyên bố hình ảnh con Daruma không có mắt là biểu trưng cho sự phân biệt đối xử với những người khiếm thị.
Daruma cũng không quên ghé siêu thị ^^
và cả trong văn phòng các công ty ở Nhật ^^
Hầu như người Nhật nào cũng mua một con Daruma cho mình, bởi ngoài việc mang lại sự giàu có cho người sở hữu nó, một vụ mùa bội thu cho người nông dân, giúp những người mẹ sinh nở dễ dàng, nó còn bảo vệ những đứa trẻ tránh khỏi bệnh tật nữa. Giống như ông Bụt ấy nhỉ, giúp mọi người thực hiện tất cả các nguyện vọng. Mà này, bạn nào học Aikido có biết câu nói ” Nanakorobi yaoki, jinsei wa kore kara da” (ngã xuống 7 lần, đứng dậy 8 lần, cuộc sống bắt đầu từ bây giờ) không? Câu nói này được ẩn dụ từ hình tượng không-bao-giờ-ngã của Daruma đấy ^^