Nếu phân tích theo nghĩa từ điển thông thường, “ngoại” là bên ngoài, “tình” là chỉ tình cảm (có thể hiểu bao gồm cả tình yêu và tình dục), “ngoại tình” nghĩa là tình cảm phát sinh bên ngoài. Hiện nay, khái niệm ngoại tình được hiểu chung như là một hành động của người đã có vợ hoặc chồng, đang trong mối quan hệ hôn nhân hợp pháp lại có quan hệ yêu đương bất chính với người khác ở bên ngoài.
Hình ảnh: Khi một bên ngoại tình thì vợ chồng có nên ly hôn?
Cuộc sống hôn nhân mỗi nhà một vẻ, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến vợ hoặc chồng ngoại tình, nhưng tựu chung lại thì có những nguyên nhân chính như sau:
– Do bản chất đào hoa của vợ/ chồng: có thể ngay từ trước khi hai bên tiến tới quan hệ hôn nhân, vợ/ chồng của bạn đã có những hành vi thể hiện sự không chung thủy như yêu một lúc nhiều người, hay đang trong mối quan hệ yêu đương ban đầu nhưng lại thường xuyên để ý đến nhiều người khác. Có thể trong lúc mới yêu tình cảm còn mặn nồng, sức nặng của tình cảm lấn át đi lý trí, nên dù nửa kia có những dấu hiệu ngoại tình mập mờ hay rõ ràng bạn cũng có thể bỏ qua và đồng thời nghĩ rằng bản thân có thể cảm hóa, thay đổi được đối phương. Tuy nhiên sau này khi hai bên cùng nhau bước vào quan hệ hôn nhân, tình cảm sẽ không còn như lúc đầu, cuộc sống hôn nhân cũng kèm theo nhiều thứ phải tính toán, khiến cho cuộc sống trở nên thực dụng hơn. Trong khi đó bản chất của một người thì khó mà thay đổi, còn người kia không đủ tình cảm để bao dung như lúc đầu nên việc ngoại tình dẫn đến đổ vỡ hôn nhân là khó tránh khỏi.
– Bất đồng về quan điểm sống cũng dẫn đến ngoại tình: sự bất đồng trong quan điểm sống ở đây không phải chỉ đơn giản là khác biệt nhau về tính cách mà còn là sự khác biệt về mục đích hướng tới hôn nhân, mục tiêu phấn đấu của hai bên trong tương lai. Trước khi tiến tới hôn nhân, tính cách và suy nghĩ hai bên chưa thật sự bộc lộ hết với đối phương, giữa hai người vẫn còn sự dè chừng, mà phần lớn là che dấu bớt đi khuyết điểm của mình. Nên có thể trong lúc yêu, sự khác biệt nhau về tính cách, mục đích sống không làm ảnh hưởng nhiều tới tình cảm hai người, thậm chí nó còn là chất xúc tác, gia vị tăng thêm hương vị trong tình yêu, khiến cho tình yêu giữa hai người trở nên thú vị khi được tìm hiểu, trải nghiệm những điều khác biệt so với bản thân mình trước đó. Đến khi kết hôn, giữa hai bên đã có sự ràng buộc nhất định, đến lúc này cả hai mới thật sự thoải mái bộc lộ hết con người thật của mình. Sự khác biệt nhau về quan điểm sống sẽ chi phối cả tới hành động hai bên thể hiện ra bên ngoài, hai bên không có tiếng nói chung về các vấn đề diễn ra trong quan hệ hôn nhân như: cách thiết lập tài chính, chi tiêu hằng ngày; cách nuôi dạy con cái; cách cư xử trong mối quan hệ với anh em, họ hàng, bạn bè; cách duy trì đời sống tình cảm hai bên;… Do đó, khi một trong hai bên cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống hôn nhân hiện tại thì họ dễ có xu hướng ngoại tình, ra ngoài tìm kiếm niềm vui mới khiến họ cảm thấy thoải mái hơn hoặc dễ dàng rơi vào mối quan hệ tình cảm với người khác có cùng tính cách, suy nghĩ giống họ, như một chỗ dựa tinh thần để lấp đi khoảng trống đang có trong hôn nhân.
– Cuộc sống hôn nhân không khiến cho hai bên cảm thấy thỏa mãn: tình cảm và vật chất là hai yếu tố chi phối mạnh tới tuổi thọ của một cuộc hôn nhân. Bất cứ sự thiếu thốn nào ở một trong hai yếu tố trên cũng có thể dẫn tới việc ngoại tình của vợ/chồng. Khi đời sống tình cảm vợ chồng không được quan tâm, chăm sóc như ý muốn thì dù đời sống vật chất có đầy đủ đến đâu cũng sẽ khiến cho hai bên luôn cảm thấy thiếu thốn, thậm chí thực tế đã cho thấy càng đầy đủ về mặt vật chất thì con người ta càng khao khát, tìm kiếm những giá trị về mặt tình cảm. Còn khi đời sống vật chất của vợ chồng không được đầy đủ thì hai bên sẽ có xu hướng sống quá thực dụng, gánh nặng cuộc sống sẽ không còn chỗ cho việc thể hiện tình cảm, đời sống tình cảm không được chú trọng. Đôi khi, cả hai yếu tố này còn có mối liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau, yếu tố này là tiền đề dẫn đến yếu tố kia. Khi vợ/ chồng không thể đáp ứng mong muốn về mặt tình cảm hoặc vật chất thì người còn lại dễ có xu hướng ngoại tình, ra ngoài tìm kiếm người có thể cho cái mình đang thiếu.
– Do sự cám dỗ từ bên ngoài: không thể phủ nhận cuộc sống ngày càng phát triển thì tỷ lệ ngoại tình và ly hôn ngày càng cao. Không như thời ông bà ta ngày xưa, ngày nay thông tin liên lạc phát triển, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các mối quan hệ trong cuộc sống không còn là điều xa lạ với mọi người. Chính bởi mạng lưới quan hệ xã hội càng được mở rộng nên cơ hội cho việc ngoại tình cũng ngày càng tăng cao. Dù là những người quyết đoán, lý trí nhất cũng không tránh khỏi có những lúc yếu lòng, dẫn đến việc ngoại tình.
Có một câu hỏi mà Luật sư trong quá trình tiếp nhận vụ việc tư vấn cho khách hàng hay nhận được là Ngoại tình có phải là hành vi vi phạm pháp luật không? Luật hôn nhân gia đình quy định như thế nào về ngoại tình? Nếu là hành vi vi phạm pháp luật thì bị xử lý như thế nào? Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, hành vi ngoại tình được coi là hành vi vi phạm Luật hôn nhân và gia đình 2014, việc “Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ” là hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của vợ chồng, xâm phạm quan hệ hôn nhân và bị cấm thực hiện. Tùy từng trường hợp khi bị phát hiện mà sẽ có chế tài xử lý phù hợp:
– Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình: hành vi ngoại tình cũng có thể bị xử lý hành chính, theo điểm b Khoản 1 Điều 48 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2015/NĐ-CP quy định người “đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác” là hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng và bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
– Xử lý vi phạm hình sự: hành vi ngoại tình cũng có thể bị xử lý hình sự, theo điểm a Khoản 1 Điều 182 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung như sau:
“Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ …thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn”.
– Ngoài ra, nếu vợ/ chồng ngoại tình là Đảng viên thì sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ theo quy định tại Điều 24 Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 “Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ: a) Vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng.
Như vậy có thể hành vi ngoại tình không chỉ vi phạm pháp luật Hôn nhân gia đình mà còn có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự hoặc sẽ bị xử lý hành chính. Hình thức xử lý sẽ phụ thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi ngoại tình đối với bên còn lại, gia đình và xã hội.
Video: Ngoại tình có thể bị phạt tù nếu dẫn đến ly hôn.
Trong quá trình giải quyết các vụ việc ly hôn, luật sư cũng thường xuyên nhận được câu hỏi Vợ/chồng ngoại tình có nên ly hôn không? Đây là một câu hỏi khó, không ai có thể tìm ra công thức chung để giải quyết cho vấn đề này. Khi nhận được thông tin vụ việc, bên cạnh việc tư vấn về các vấn đề pháp lý cho khách hàng, luật sư cũng dựa trên kinh nghiệm làm việc và thực tiễn cuộc sống của mình để đưa ra lời khuyên phù hợp với mỗi tình huống của khách hàng.
Việc vợ/ chồng ngoại tình theo tôi cũng được chia ra làm nhiều cấp độ khác nhau:
– Trường hợp nếu vợ/ chồng chỉ có mối quan hệ qua đường, việc ngoại tình chớp nhoáng thì người còn lại cần phải cẩn thận, suy xét thật kỹ, cân đo xem việc ly hôn có là cần thiết không? Ly hôn thì vấn đề được giải quyết như thế nào? Không ly hôn thì sẽ giải quyết vấn đề như thế nào? Kết quả của hai sự lựa chọn có khác nhau không? Bởi nếu trường hợp vợ/ chồng của bạn ngoại tình trong trường hợp này mà họ có sự ăn năn, hối hận về hành vi của mình thì có thể bạn chưa cần đi đến quyết định ly hôn ngay mà có thể quan sát, xem xét một thời gian nữa, tránh đưa ra những quyết định không đáng có trong lúc nóng giận.
– Trường hợp việc ngoại tình của vợ/ chồng tái diễn nhiều lần, bên có hành vi ngoại tình không còn tình cảm với người còn lại. Luật sư cho rằng nếu không phải vì có những lý do bất đắc dĩ như bị phụ thuộc về kinh tế, không có khả năng nuôi con một mình,… thì nên thực hiện thủ tục ly hôn, nhanh chóng giải quyết một cuộc hôn nhân không hạnh phúc để tạo ra cơ hội cho bản thân mình trong tương lai.
– Trường hợp vợ/ chồng ngoại tình có để lại kết quả bên ngoài (có con riêng). Lúc này, người còn lại phải thật bình tĩnh, xem xét vấn đề trên mọi phương diện. Nếu một trong hai bên vợ/ chồng không còn tình cảm thì nên thực hiện thủ tục ly hôn. Còn nếu vợ/ chồng ngoại tình vẫn còn tình cảm, việc có con riêng là ngoài ý muốn và vẫn muốn vun vén cuộc sống hôn nhân thì người còn lại có thể cân nhắc việc không ly hôn.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, khi một bên có ý định ngoại tình thì ít nhiều cuộc sống hôn nhân của bạn cũng đang có vấn đề. Vậy nên, việc đầu tiên khi biết nửa kia của mình ngoại tình là bình tĩnh, nhìn lại bản thân mình trước, xem xét, đánh giá xem bản thân mình đang có vấn đề gì khiến nửa kia phải ngoại tình hay không. Nếu thật sự bản thân mình đúng, hoàn toàn không có lỗi gì thì hãy xem xét, đưa ra quyết định ly hôn một cách dứt khoát.
Dưới góc độ pháp lý, ngoại tình được xem một một trong những căn cứ để Tòa án quyết định cho ly hôn. Theo quy định tại Mục 8 nghị quyết 02/2000 của hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao số 02/2000/NĐ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định của luật hôn nhân và gia đình năm 2000 “Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình” được coi là tình trạng hôn nhân trầm trọng và là căn cứ để Tòa án giải quyết cho ly hôn.
Mặc dù hiện nay Luật Hôn nhân và gia đình 2014 không có quy định trực tiếp như trên nhưng hành vi ngoại tình vẫn được tòa án xem là căn cứ cho thấy tình trạng hôn nhân trầm trọng để cho phép ly hôn.
– Tài sản riêng của vợ chồng thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung.
– Tài sản chung của vợ chồng thì sẽ tiến hành chia đôi.
Hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân cùng đóng góp, xây dựng một căn biệt thự trên đất của bố mẹ chồng, căn nhà có giá trị là 3 tỷ đồng. Khi ly hôn mỗi bên sẽ nhận được một nửa trị giá căn nhà là 1,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, về nguyên tắc thì là như vậy nhưng khi tiến hành giải quyết yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì Tòa án sẽ cân nhắc, tính đến các yếu tố như:
“a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”
Như vậy, không phải lúc nào khi vợ chồng ly hôn thì Tòa án cũng tiến hành chia đôi giá trị tài sản chung mà trong một số trường hợp việc phân chia tài sản cho mỗi bên còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Việc một bên vợ/ chồng ngoại tình là hành vi vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Nếu việc vợ/ chồng ngoại tình mà dẫn tới ly hôn thì đây được coi là lỗi của một bên theo quy định trên nên khi giải quyết về vấn đề tài sản chung, ai có lỗi có thể sẽ nhận phần giá trị tài sản chung thấp hơn so với người kia.
Video: Hướng dẫn chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn.
Trong thực tiễn giải quyết vấn đề về quyền nuôi con khi có yêu cầu ly hôn, Tòa án sẽ ưu tiên giải quyết dựa trên sự thỏa thuận của các bên, có tính đến việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của con.
Trường hợp ly hôn do một bên ngoại tình mà hai bên không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ ra quyết định giao con cho một bên trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng khi tính đến quyền lợi mọi mặt của con. Các yếu tố có thể kể đến để Tòa án căn cứ giao quyền nuôi con cho vợ/ chồng là:
– Điều kiện tài chính: tài chính ở đây có thể được hiểu là thu nhập hàng tháng của các bên. Bởi việc nuôi một đứa trẻ trong thời buổi xã hội phát triển như ngày nay không phải là việc đơn giản. Người trực tiếp nuôi con phải đáp ứng được điều kiện kinh tế tối thiểu để có thể nuôi con sau khi ly hôn.
– Điều kiện môi trường sống: việc con sống với bố hay sống với mẹ thì đều cần được sống trong một môi trường an toàn, đáp ứng được các nhu cầu tối thiểu cho sự phát triển của con như có môi trường học tập, có không gian vui chơi, chỗ ở đảm bảo an ninh,… đây là một yếu tố không thể thiếu khi xét đến việc vợ/ chồng nuôi con sau khi ly hôn.
– Yếu tố tình cảm: Khi xem xét việc ai là người trực tiếp nuôi con thì Tòa án cũng phải dựa trên nguyện vọng của con trong một số trường hợp, con trên 07 tuổi thì phải xem xét nguyện vọng của con. Thực tế, đây là độ tuổi mà con đã đủ nhận thức về việc bản thân mong muốn được ở với ai. Ví dụ, sau khi xem xét đến các yếu tố trên mà điều kiện của hai bên có sự ngang bằng nhau thì trường hợp bố muốn giành quyền nuôi con nhưng con muốn ở với mẹ thì khả năng cao Tòa án sẽ giao quyền nuôi con cho mẹ.
– Độ tuổi của con: Theo quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 con dưới 36 tháng tuổi thì sẽ ưu tiên giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng. Trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con hoặc hai bên có thỏa thuận khác thì Tòa án cũng sẽ tôn trọng sự thỏa thuận của hai bên. Pháp luật quy định như vậy vì thực tế tinh thần và thể chất của trẻ dưới 36 tháng tuổi rất cần sự quan tâm và chăm sóc của người mẹ.
Như vậy, để có phán quyết cuối cùng về việc ai có quyền trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng con khi ly hôn Tòa án phải xem xét thật kỹ, có sự so sánh giữa hai bên dựa trên các yếu tố cụ thể. Như vậy, vợ chồng ngoại tình vẫn có quyền được nuôi con khi ly hôn nếu họ có thể đưa ra được các căn cứ, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình. Tuy nhiên, có thể trong quá trình giành quyền nuôi con họ sẽ gặp phải bất lợi nếu không thể hơn hẳn bên kia về các điều kiện, yếu tố như trên và bên còn lại cho rằng việc ngoại tình thể hiện vợ/ chồng không đủ điều kiện về phẩm chất đạo đức để nuôi dạy tốt con chung.
Khi có căn cứ, bằng chứng cho rằng vợ/ chồng ngoại tình và muốn thực hiện thủ tục ly hôn thì người có yêu cầu phải nắm rõ các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục hiện hành để có thể đảm bảo tối ưu quyền và lợi ích của mình. Nhìn chung, trong cả hai trường hợp là ly hôn thuận tình và ly hôn đơn phương thì người có yêu cầu đều phải thực hiện qua các bước cơ bản như sau:
Bước 1: Chuẩn bị một bộ hồ sơ ly hôn đầy đủ bao gồm: đơn xin ly hôn, Đăng ký kết hôn; chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu của hai vợ chồng; giấy khai sinh của con; giấy xác nhận nơi cư trú (trong trường hợp cần có).
Bước 2: Nộp hồ sơ xin ly hôn tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp người có yêu cầu nộp trực tiếp thì nộp tại phòng tiếp dân của Tòa án và nhận biên bản bàn giao tài liệu từ thư ký Tòa án. Trường hợp nộp qua đường bưu điện thì người có yêu cầu phải giữ lại báo phát (liên hồng) của bưu điện để làm căn cứ cho ngày nộp đơn ly hôn.
Bước 3: Nộp tạm ứng lệ phí, án phí ly hôn theo thông báo của Tòa án.
Bước 4: Tham gia buổi hòa giải ly hôn, lập biên bản theo thông báo của Tòa án hoặc tham gia vào phiên Tòa xét xử theo thông báo của Tòa án trong trường hợp cần đưa vụ án ra xét xử.
Giải quyết một vụ việc ly hôn do một bên ngoại tình tưởng chừng như đơn giản nhưng nếu trực tiếp thực hiện khách hàng gặp phải rất nhiều khó khăn như:
– Phải qua nhiều thủ tục hành chính với thời gian kéo dài;
– Phải cung cấp được cho Tòa án một bộ hồ sơ hoàn chỉnh, hợp lệ mà bản thân lại không am hiểu về các quy định của pháp luật trong khi đó bên còn lại không phải lúc nào cũng hợp tác mà có thể còn níu kéo, gây khó dễ, không giao giấy tờ như đăng ký kết hôn, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu để thực hiện thủ tục;
– Phải tiêu tốn nhiều chi phí trong quá trình giải quyết vụ việc mà hiệu quả chưa chắc đã đạt được.
Hiện nay để tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc mà nhiều người khi ly hôn do một bên ngoại tình đã tìm đến dịch vụ Luật sư ly hôn nhanh để được hỗ trợ, giải quyết yêu cầu của mình. Nhu cầu của khách hàng không chỉ dừng lại ở khâu tư vấn mà muốn có Luật sư trực tiếp tham gia hỗ trợ, có thể thay mặt khách hàng thực hiện các thủ tục trong phạm vi pháp luật cho phép và theo sát quá trình giải quyết tại Tòa án. Công ty Luật Hùng Bách với đội ngũ Luật sư, chuyên viên pháp lý giỏi, có kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực hôn nhân gia đình hiện đang cung cấp dịch vụ ly hôn nhanh ở 63 tỉnh thành trên cả nước. Luật Hùng Bách cung cấp dịch vụ ly hôn trọn gói bao gồm tất cả các giai đoạn để giải quyết một vụ việc ly hôn như:
– Tiếp nhận vụ việc, đưa ra tư vấn ban đầu về quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người khi ly hôn do một bên ngoại tình. Trường hợp khách hàng không thể sắp xếp thời gian, Công ty sẽ sắp xếp người tiếp nhận hồ sơ ngay tại nơi ở, làm việc theo yêu cầu của khách hàng.
– Soạn thảo hồ sơ, hỗ trợ khách hàng soạn đơn ly hôn với đầy đủ nội dung, tham gia cùng khách hàng trong quá trình chuẩn bị các tài liệu cần thiết;
– Nộp đơn ly hôn tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết;
– Luôn luôn giám sát tiến độ thực hiện công việc tới khi có quyết định của Tòa án công nhận thuận tình ly hôn, kịp thời đưa ra tư vấn khi phát sinh các tình tiết mới.